Môn học “Chăm Sóc Mục Vụ Gia Đình” trình bày, khai triển và đào sâu một số chuyên đề quan trọng về mục vụ chăm sóc các gia đình Việt Nam hôm nay. Học viên (tác viên tương lai mục vụ gia đình) sẽ được trang bị vốn kiến thức cần thiết về thực tại và vai trò gia đình theo viễn tượng văn hóa, xã hội, tâm lý và thần học Ki-tô giáo. Bên cạnh đó, họ sẽ được giúp nhận biết những thách đố đang hình thành hay đe dọa đời sống gia đình hiện nay. Những thách đố ấy có thể là những vấn đề như bạo lực gia đình, nghiện ngập, thương tổn và mất mát, người thân (trẻ em) thiểu năng tâm thần, những áp lực và căng thẳng (stress). Học viên cũng được hướng dẫn để hiểu và trợ giúp những hoàn cảnh gia đình khó khăn do cơ chế bất công như nạn nghèo đói, vấn đề di dân và môi trường. Ngoài ra, học viên sẽ đào sâu vai trò, tiềm năng và sức mạnh của họ cũng như cộng đồng (chẳng hạn cộng đồng đức tin) khi biết vận dụng các nguồn lực để hóa giải những thách đố nhằm giúp các gia đình ổn định và tăng trưởng. Cuối cùng, học viên còn được giúp để trải nghiệm chính mình từ gia đình gốc (his/ her experiences within his/ her own family of origin) hầu phát triển bản thân. Vì thế, học viên sẽ tiếp cận các học thuyết gia đình, đặc biệt thuyết hệ thống gia đình (Family Systems Theory) và thuyết “gắn bó” (Attachment Theory) nhằm tạo sự hiểu biết lẫn nhau cách ích lợi nhất, đồng thời giúp nhau hiểu bối cảnh và ảnh hưởng của gia đình gốc trên nhân cách cũng như kinh nghiệm mục vụ của mỗi người.
Do tầm quan trọng và khối lượng kiến thức về chăm sóc mục vụ gia đình, môn học được thực hiện với 45 tiết giảng lớp cộng với một lượng thời gian làm việc cá nhân và nhóm từ phía học viên. Nội dung mỗi khóa học sẽ được trình bày ở mục III.
Đối Tượng Theo Học: Linh mục, tu sỹ, giáo dân thao thức về mục vụ gia đình
Mục Tiêu Học Viên Cần Đạt Tới
Về cuối khóa học, học viên hy vọng đạt được những mục đích sau:
– Hiểu biết tổng quát về gia đình theo viễn tưởng tâm lý, xã hội và thần học Ki-tô giáo;
– Trải nghiệm bản thân về gia đình gốc và vận dụng kinh nghiệm ấy vào mục vụ chăm sóc gia đình;
– Nhận biết những thách đố cho đời sống gia đình và đưa ra những giải pháp chăm sóc mục vụ gia đình trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay;
– Lượng giá và nhận định mục vụ chăm sóc gia đình dựa trên quan điểm mục vụ của Hội Thánh Công Giáo.
Nội Dung Học
Lớp 1: Giới Thiệu Tổng Quát Về “Chăm Sóc Mục Vụ Gia Đình”
Bối Cảnh Gia Đình Trên Thế Giới Và Ở Việt Nam Ngày Nay: Ánh Sáng và Bóng Tối
Lớp 2: Gia Đình Dưới Cái Nhìn Tâm Lý Học, Xã Hội Học và Thần Học Ki-tô Giáo
Lớp 3: Trải Nghiệm Bản Thân về Gia Đình Gốc- Thuyết Hệ Thống Gia Đình
Lớp 4: Mất Mát và Thương Tổn- Thuyết “Gắn Bó”
Lớp 5: Ly Thân- Ly Dị
Lớp 6: Ly Thân- Ly Dị (tiếp theo)
Lớp 7: Bạo Lực Gia Đình
Lớp 8: Lạm Dụng Trẻ Em
Lớp 9: Vấn Đề Giới Tính và Mang Thai ở Tuổi Vị Thành Niên
Lớp 10: Nghiện Ngập
Lớp 11: Chăm Sóc Người Cao Tuổi
Lớp 12: Vấn Nạn Di dân
Lớp 13: Vấn Nạn Môi Trường
Lớp 14: Tiềm Năng Và Nguồn Lực Chăm Sóc Mục Vụ Gia Đình
Lớp 15: Tiềm Năng Và Nguồn Lực Chăm Sóc Mục Vụ Gia Đình (tiếp theo)
Lớp 16: Phản Tỉnh và Lượng Giá
Lm And. Phạm Hòa Lạc,S.J. tốt nghiệp thạc sỹ quản trị mục vụ (M.A.) từ Đại học Ateneo, Manila, Philippines (2007), thạc sỹ thần học nghiên cứu (MTh) và Cao học thần học mục vụ (STL) với chuyên ngành mục vụ gia đình từ Đại học Boston, USA (2016).
Trong quá trình đào luyện và mục vụ Dòng Tên, Lm And. Phạm Hòa Lạc đã trải qua các sứ vụ như mục vụ giáo xứ tại TGP Saigon (2007- 2010); giảng dạy và linh hướng nhà Ứng Sinh Dòng Tên Việt Nam (2010- 2011) và Đại Chủng Viện Vinh Thanh (2011- 2013); mục vụ giáo xứ tại Gp Đà Nẵng (2013-2014); tham dự các hội nghị gia đình do FABC tổ chức tại Singapore (2008), Indonesia (2009) và Thailand (2012); giảng linh thao và giúp tập huấn mục vụ gia đình cho các thành phần dân Chúa (2017- 2019). Hiện nay ngài là linh hướng khoa tu đức ĐCV Hà Nội.
1. Video Hướng Dẫn Đăng Ký
Văn phòng Trung Tâm cũng nhận đăng ký qua Email, điện thoại hoặc trực tiếp tại Văn phòng.
2. Học Phí:
Học viên chuyển khoản theo thông tin sau:
Hết thời hạn đăng ký
Giảng viên
Linh Mục And. Phạm Hòa Lạc, S.J