CHƯƠNG TRÌNH THƯỜNG HUẤN CHO NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM HUẤN LUYỆN NHỮNG TU SĨ TRẺ

(Huấn Luyện Người Huấn Luyện)

Phần I: NỀN TẢNG

 I. Khởi Điểm của Chương Trình

Trung Tâm Linh Đạo I Nhã (CIS) được khai sinh vào tháng 09/2019, là một sứ vụ trực thuộc Tỉnh Dòng Tên Việt Nam. Một trong những mục tiêu chính của Trung Tâm là Phục Vụ Đức Tin và Thăng Tiến Công Bình (Tổng Hội 32). CIS thực thi mục tiêu này dưới nhiều hình thức như các khóa học ngắn hạn và dài hạn về việc Phát Triển Con Người và với Linh Đạo Công Giáo; các buổi nói chuyện chuyên đề trực tiếp và trực tuyến, thảo luận về các vấn nạn mà người Việt Nam hiện đại phải đối diện trong xã hội đang thay đổi rất nhanh và ảnh hưởng lớn đến niềm tin, luân lý, gia đình và đời tu. Cụ thể, Chương trình Huấn Luyện Người Đồng Hành Thiêng Liêng và Hướng Dẫn Linh Thao của Trung Tâm đã bắt đầu khoá Một vào năm 2020. Đến nay, Trung Tâm đã điều chỉnh và khai giảng khóa Bốn niên khoá 2023, cho phù hợp với diễn biến của nạn dịch Covid-19 và những thay đổi của hoàn cảnh đổi thay về kinh tế, chính trị của Việt Nam và thế giới.

Theo mong đợi của nhiều bề trên các Dòng Tu, Tu Hội, và một số vị giám mục giáo phận, Trung Tâm đã viết và chạy chương trình mới từ năm 2022, Chương trình Thường Huấn cho Người Có Trách Nhiệm Huấn Luyện những Tu Sĩ Trẻ (A Program of Continuing Formation for Those Reponsible for the Formation of the Young Religious) (xin viết ngắn thành: Chương Trình Huấn Luyện Người Huấn Luyện). Chương trình góp phần vào sứ mạng quan trọng đối với Giáo Hội Việt Nam nhằm “Huấn Luyện Những Người Huấn Luyện.” Người huấn luyện rất quan trọng trong việc thăng tiến những tu sĩ và linh mục, là những người sẽ trực tiếp đáp ứng những nhu cầu mục vụ của Dân Thiên Chúa.

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28:19)

 II.    Chương Trình Huấn Luyện Người Huấn Luyện

Bất kỳ cuộc thảo luận bài bản nào về Chương Trình Huấn Luyện Người Huấn Luyện, từ cấp các giáo phận hay các dòng tu, đều bắt nguồn từ việc Hoán Cải trong tinh thần Kitô giáo. Cuộc Hoán Cải của Trí Óc và Con Tim, ở mức độ cá nhân và cộng đồng. Dù hoán cải diễn ra trong sâu thẳm nội tâm của từng Kitô hữu, nhưng không đơn thuần là chuyện riêng tư. Hoán cải xảy ra trong mọi bình diện của cõi nhân sinh. Người huấn luyện mang trọng trách nâng đỡ sự phát triển toàn diện: thân xác, tâm hồn và thần trí cho các tu sĩ trẻ. Do vậy, bản thân người huấn luyện xứng đáng có đủ thời gian và những nguồn lực cần thiết để củng cố khả năng chuyên môn nhằm đồng hành, khuyến khích và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, những người được huấn luyện để phục vụ Dân Thiên Chúa.

“Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách…” (1 Tx 5:23)

Những Chương Trình Thường Huấn dành cho những người huấn luyện là nhu cầu phổ quát, đúng hơn là một đòi buộc trong Giáo Hội Công Giáo. Các nghị phụ trong Công Đồng Vatican II đã uỷ thác trọng trách soạn thảo và vận hành những chương trình này cho các Dòng Tu và Giáo Phận. Đòi hỏi này đã được nêu rõ trong Sắc Lệnh Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu (Perfectae Caritatis) và Đào Tạo Linh Mục (Optatam Totius). Các Chương Trình Thường Huấn cho các người huấn luyện hết sức quan trọng, không chỉ nhằm vận hành suôn sẻ việc huấn luyện trong các Giáo Phận hay Dòng Tu, mà còn liên quan trực tiếp đến sự triển nở và việc chăm sóc mục vụ cho Dân Thiên Chúa. Những chương trình này cũng là sự trợ giúp lớn lao dành cho những người được tin trao sứ mạng tuyệt vời này là hướng dẫn những thành viên mới hội nhập vào một Dòng Tu hay Giáo Phận. Để hoàn thành những trọng trách này, Chương Trình Thường Huấn phải được phác thảo và thực hiện cẩn trọng liên quan đến những đòi buộc thuộc Tòa Trong (Thiêng Liêng, Thể Lý và Tâm Lý) và Tòa Ngoài (Thần Học, Xã Hội và Văn Hoá) mà những người huấn luyện cần phải có.

“Một khi bạn bỏ lỡ cơ hội làm điều tốt, bạn như người làm vuột mất một cánh chim. Bạn chẳng bao giờ lấy lại được nữa.” (Thánh Gioan Thánh Giá)

Mục đích chính của nền huấn luyện các tu sĩ, chủng sinh trẻ là làm sáng tỏ ơn gọi của họ, rồi định hình sao cho đời họ hòa điệu với Đặc Sủng và đòi hỏi của một Dòng Tu hay đời sống của một linh mục giáo phận. Để đạt được những mục tiêu này, những người huấn luyện, nên là những nhà chuyên môn, cần học hỏi suốt đời. Sứ mạng độc đáo này, đòi buộc họ phải có ảnh hưởng tích cực trên các ứng viên trẻ. Và sứ mạng ấy cũng làm viên mãn cuộc đời người huấn luyện. Những nhà huấn luyện phải tuyên xưng đức tin Công Giáo của mình cách minh nhiên và thuyết phục, có khả năng thực thi những sắc thái khác nhau của đặc sủng, vốn là phần quan trọng trong cuộc sống của một linh mục giáo phận hay của những nam nữ tu sĩ.

“Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10:10)

Là những nhà chuyên môn, những người huấn luyện có trách nhiệm chủ động trong việc thường huấn cá nhân và chuyên môn của mình. Những người huấn luyện xứng đáng để cảm thấy tự tin và đủ năng lực làm việc với thế hệ trẻ, là những người vốn có những trải nghiệm cuộc sống rất khác với những vị huấn luyện mình. Dân Thiên Chúa xứng đáng có những thừa tác viên tương lai của họ là những mục tử, những thầy dạy đầy tình yêu, trách nhiệm và khôn ngoan. Những người huấn luyện là những nhân vật quan trọng trong nền huấn luyện để giúp Giáo Phận, các Dòng Tu có những thừa tác viên tương lai như lòng Chúa mong ước.

“… Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một… như Chúng Ta là một…” (Ga 17:20)

Những điều khởi sự trong tiến trình huấn luyện một tu sĩ, hay chủng sinh trẻ giúp hình thành một thói quen học hỏi đều đặn, lâu dài suốt cuộc đời họ. Lý tưởng là, họ muốn mình lớn lên trong cầu nguyện, trong lòng yêu mến Giáo Hội và phản tỉnh cá nhân. Những người huấn luyện có trọng trách “khơi bùng ngọn lửa” yêu mến này nơi thế hệ trẻ. Vậy nên, chỉ có công bình và chính trực mới không ngừng ban cho người huấn luyện những cơ hội vốn cần, để họ duy trì năng lực và thành quả, trong trọng trách mà Giáo Hội ủy thác cho họ.

Hãy Yêu Chúa, hãy Phụng Sự Chúa; mọi sự đều ở đó.” (Thánh Clara Assisi)

III.  Phạm Vi của Chương Trình

Chương Trình Thường Huấn này của CIS sẽ cung cấp cho các nhà huấn luyện cơ hội khám phá lại năm lãnh vực phổ quát, vốn không thể tách rời của kinh nghiệm nhân sinh, để phát triển con người lành mạnh về nhân bản và thiêng liêng. Người huấn luyện càng cảm thấy an yên “khi là chính mình,” họ càng sẵn sàng để giúp đỡ tha nhân điều tương tự.

Thể Lý: vì cũng là con người, những người huấn luyện cần thể hiện một lối sống lành mạnh đặt nền trên những sinh hoạt hữu lý, phù hợp với thể chất của họ. Sức khỏe thể lý ảnh hưởng minh nhiên đến sứ vụ.

Tâm Lý: tâm lý lành mạnh là sự kết hợp hài hòa giữa tâm cảm (cảm xúc), nhận thức và tâm linh. Trưởng thành tâm cảm cho phép người huấn luyện diễn đạt những cảm xúc cá nhân cách thích hợp và tương tác với tha nhân cách có ý nghĩa. Khả năng nhận thức bao hàm việc thu thập thông tin, thấu hiểu và đưa ra những phán đoán hợp lý. Tâm linh đụng chạm đến lẽ sống sâu xa nhất của phận người. Đối với những người huấn luyện, tương quan cá vị của họ với Chúa Giêsu Phục Sinh chính là lẽ sống thẳm sâu này.

Tính Dục: Các chiều kích thể lý, tâm lý và thiêng liêng của cuộc sống giao thoa với nhau, cách độc đáo và không thể tách rời, nơi tính dục của con người. Sự gặp gỡ này khiến mỗi người trở nên chính mình. Tính dục là hiện thân của đam mê, một khối năng lượng, một hướng đi để kết nối, để thuộc về, và hiến trao cuộc sống, cả ở bình diện riêng tư và phổ quát. Với hầu hết con người, cuộc gặp gỡ này chưa bao giờ là điều dễ dàng; nó cần có thời gian và được hướng dẫn. Thấu hiểu, đón nhận và hội nhất tính dục, giới tính của bản thân là điều cần thiết cho sự trưởng thành quân bình. Việc đón nhận cách an bình giới tính của bản thân, là điều rất quan trọng, nó giúp người huấn luyện có khả năng đồng hành và giúp đỡ những tu sĩ và chủng sinh trẻ hiểu biết, đón nhận và yêu thương chính mình.

Mục Vụ:  đời sống mục vụ của nhà huấn luyện đòi hỏi sự phát triển những kỹ năng để phục vụ tốt Dân Thiên Chúa. Họ cần thấu hiểu sự phức tạp của nền văn hóa thời đại mình (dịch Covid – 19 là thí dụ điển hình) và chúng ảnh hưởng ra sao đến giới trẻ. Ứng viên trẻ là trọng tâm của sứ mạng này. Hơn bao giờ hết, việc đồng hành cùng người trẻ với những người huấn luyện và chương trình bài bản, cập nhật của ngày hôm nay sẽ tác động sâu sắc và lâu dài đến sức sống của Giáo Hội Việt Nam mai sau.

Thiêng Liêng: một nền linh đạo quân bình và hội nhất là cốt lõi của cuộc đời và sứ vụ của người huấn luyện. Mối tương quan cá vị của họ với Đức Kitô, với Dân Thiên Chúa, và với chính mình, tỏ lộ một phần quan trọng: họ là ai. Người huấn luyện luôn là một trong những nhân tố tích cực bậc nhất xây dựng sự phát triển nền tảng của ứng viên trẻ, khi họ được đồng hành.

“Một ngày khiêm tốn biết mình thì hơn ngàn ngày cầu nguyện.”

(Thánh Teresa Avila, Viện Tu)

Phần II: ĐỀ CƯƠNG

 I.     Nền Huấn Luyện Mang Tính Chuyên Nghiệp

Huấn luyện, đồng nghĩa với phát triển, một tiến trình phát triển, một biến đổi có định hướng. Người đảm nhận việc huấn luyện của Giáo Hội là những người chuyên nghiệp, có khả năng nâng đỡ ứng viên lớn lên, quy hướng đến sứ mạng phục vụ Dân Thiên Chúa với tư cách tu sĩ của một hội dòng hay linh mục địa phận. Người huấn luyện càng an yên “khi là chính mình” họ càng dễ dàng đồng hành với tha nhân trong cuộc hành trình nhân bản và thiêng liêng cao quý nhưng đầy gian nan này.

Những ngày đầu tiên của chương trình sẽ nhằm kiến tạo sự hiểu biết hỗ tương và làm việc nhóm giữa những tham dự viên khác của chương trình.

A.     Người Huấn Luyện: Con Người và Tín Hữu Công Giáo

Lịch Sử ~ Câu Chuyện Đời Tôi:  những câu hỏi được phác thảo tốt, giúp những người huấn luyện tự vấn và chia sẻ với nhau:

  • Tôi là ai? Tôi đã phát triển thế nào để nên như tôi là, lúc này, ở đây? Những kinh nghiệm nào hữu ích cho sự phát triển ấy? Những lãnh vực nào khiến khủng hoảng, khổ đau?
  • Lịch sử hành trình đức tin của tôi? Tôi cảm nghiệm gì về Giáo Hội Việt Nam của tôi? Đâu là điều cuốn hút và ủi an tôi? Đâu là khó khăn, thương tổn?
  • Đức Giêsu là ai đối với tôi? Tôi đã và sẽ giới thiệu Đức Giêsu Kitô ấy cho người khác hay không với đức tin thế nào?

Như đã đề cập trong phần I, năm lĩnh vực phổ quát của kinh nghiệm nhân bản, đan quyện với nhau hình thành kinh nghiệm một đời người: thể lý, tâm lý, tính dục, mục vụ và thiêng liêng. Mỗi con người sẽ cảm nghiệm những trải nghiệm nhân bản phổ quát theo cách thức độc nhất để trở thành chính mình. Như vậy, sự phổ quát sẽ nhập thể thành cá vị. Với chương trình này của CIS, tham dự viên sẽ có cơ hội để nhìn lại và mở rộng sự hiểu thấu bản thân về từng và mọi lãnh vực nêu trên. Những việc này sẽ được thực hiện ngay trong những ngày đầu của chương trình.

Thể Lý:

  • Chương trình sẽ mời hai bác sĩ nội khoa khả kính trình bày và thảo luận với tham dự viên về cơ thể của nam giới và nữ giới, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và chữa trị những bệnh khá phổ biến ở Việt Nam; tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng tốt; những phương thế hữu lý để duy trì sức khỏe nói chung. (khoảng 3 ngày học, 15 tiết)
  • Chương trình sẽ mời 2 bác sĩ, chuyên viên về dinh dưỡng đến với các học viên chương trình này: (1) lý thuyết: thuyết trình về cách sử dụng thực phẩm cách khoa học và lành mạnh; (2) thực hành: các bác sĩ và đội ngũ hỗ trợ sẽ nấu và cùng dùng bữa với các học viên 1 bữa ăn mẫu, tương hợp với lý thuyết được trình bày trước đó (1 ngày học, 5 tiết).

Tâm Lý:

  • Chương trình sẽ mời một bác sỹ chuyên ngành Tâm Lý chiều sâu, giúp đọc và phân tích lịch sử đời của tôi (của học viên. Từ nền tảng này của học viên rời gia đình huyết thống và huấn thống, để hội nhập vào gia đình thiêng liêng là Giáo Hội (qua Hội Dòng, Giáo Phận của mình) (2 ngày học, 10 tiết).
  • Chương trình mời một giáo sư chuyên ngành Nghiên Cứu Xã Hội, Nhân Chủng học trình bày về Địa Dư, Văn Hoá, những biến động lớn của Chính Trị, Xã Hội ảnh hưởng thế nào đến tâm tính, nhân cách cá nhân, thậm chỉ ảnh hưởng đến cả một thế hệ con người ( 3 ngày học, 15 tiết)
  • Chương trình sẽ mời ít nhất 2 nhà tâm lý thực hành khả kính trình bày và thảo luận với tham dự viên về sức khỏe tâm lý; giảm thiểu căng thẳng; làm sao để duy trì sức khỏe tinh thần và cảm xúc lành mạnh. Giúp xây dựng một nền tảng vững chắc để chăm sóc bản thân, biết điều chỉnh cho phù hợp với những đổi thay của sứ vụ và tuổi tác (khoảng 6 ngày học, 30 tiết).

Tính Dục: Một bác sĩ tâm lý học thực hành chuyên ngành về Tính Dục Học với lâu năm kinh nghiệm sẽ trình bày và thảo luận với tham dự viên về sự phát triển tính dục lành mạnh; và làm sao để có sức khỏe cảm xúc và tinh thần như những con người quân bình (khoảng 3 ngày học, 15 tiết).

“Niềm vui nội tâm sâu xa giống như kim chỉ nam vẽ ra con đường của sự sống.”

(Mẹ Teresa Calcuta)

(Các cuộc đối thoại mục vụ thiêng liêng sẽ diễn ra ở phần sau)

B.      Người Huấn Luyện: Cuộc Đời Mang Tính Chuyên Nghiệp

  • Kinh nghiệm của tôi, trong tư cách một nhà huấn luyện, quá khứ và hiện tại?
  • Tôi đã được trao sứ vụ này thế nào?
  • Làm thế nào để thành toàn sứ mạng ấy trong tư cách người huấn luyện? Điều gì và nơi đâu giúp tôi có thể thăng tiến năng lực của mình như một nhà huấn luyện?

Mục Vụ: Đức Giám Mục …. thuộc Giáo Phận….. sẽ trình bày và trao đổi với tham dự viên quan điểm của ngài về nền Huấn Luyện Công Giáo, những chương trình huấn luyện thành công, và những gì có thể chuẩn bị tốt hơn cho những người nam, nữ thiện tâm muốn phục vụ Dân Thiên Chúa. Những người huấn luyện là những thừa tác viên rất quan trọng của Lời Chúa đối với những người họ hướng dẫn. (1 buổi sáng, chia sẻ thảo luận buổi chiều)

Thiêng Liêng

  • Chương trình sẽ mời một linh mục khả kính, giáo sư về Huấn Quyền và Giáo Dục trình bày và thảo luận với tham dự viên về Huấn Quyền và Giáo Dục Công Giáo theo một số văn kiện quan trong liên quan của Giáo Hội Công Giáo (4 ngày học, 20 tiết).
  • Cha Giám Đốc Trung Tâm Linh đạo I Nhã (CIS), sẽ điều phối 1 đến 2 ngày thảo luận về những kinh nghiệm thiêng liêng của những tham dự viên. Như một phần của chương trình. Cha sẽ giúp một khóa Linh Thao 8 ngày theo phương pháp của Thánh I Nhã, dành cho tất cả các tham dự viên, trước khi chương trình kết thúc. Tất cả các tham dự viên khuyến khích được tiếp tục đồng hành trong suốt chương trình này.

 

Sứ mạng của các mục tử là giúp đỡ đoàn chiên được trao phó cho họ, sứ mạng luôn hướng ra, luôn chuyển động để công bố niềm vui của Tin Mừng.”

           (Đức Giáo Hoàng Phanxico – Lễ thánh Andre và Gregorio, Roma, 05/10/2016)

 

 II.             Những Người Thụ Huấn – Nam và Nữ

A.             Việt Nam Đương Đại – Vài Nét Chấm Phá

Việt Nam đang trải qua những thay đổi nhanh trong 1 thập niên qua.

Về Kinh Tế: GDP quốc gia tăng trưởng đáng kể, nhưng chính yếu mang thêm lợi nhuận cho 1 thiểu số “siêu giàu.” Thành phần trung lưu từng mong đợi đã không thành hình nhanh như dự đoán. Hầu hết những người lao động đang vật lộn để lo kinh tế căn bản cho mình và gia đình. Con số về gia đình sụt giảm mạnh, bao hàm cả những gia đình Công Giáo. Về Môi Sinh – Di Dân: Môi trường bị phá huỷ. Biển, đất, không đủ nuôi sống và giữ chân con người, tao ra những cuộc di dân lớn để mưu sinh. Đời sống gia đình bị xáo trộn, trẻ em bị bỏ lại quê ở với ông bà; các mối liên kết xã hội bị bẻ gãy. Các hệ quả tiêu cực kéo theo là tệ nạn buôn người, lừa đảo, nô lệ lao động. Về Chính Trị: Quyền lực tập trung vào một “nhóm nhỏ” và nhóm nỗ lực duy trì quyền lực của mình. Về Văn HóaTrí Khôn Nhân Tạo (AI): Internet cho phép con người truy cập vào hầu hết những thứ họ có thể nghĩ đến; và thiếu niên, người trẻ biết rất rõ cách truy cập đó. AI tạo ra những thay đổi nhanh chóng về nghề nghiệp bị mất hoặc thay đổi, văn hoá, lối sống, tâm thức con người đặt mình làm trung tâm của thực tại, đề cao hư danh, nổi tiếng, chạy theo thị hiếu đám đông. Trên bình diện Đức Tin, người Công Giáo chiếm tỷ lệ 7 % dân số (2019), cùng tỷ lệ với năm 2009.[1] Việc Phúc Âm Hóa, mặc dù được nói và phát động các phong trào thường xuyên, nhưng không có những thành tựu đáng kể. Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng, đại dịch Covid -19 và chiến tranh xảy ra trên toàn thế giới, đã gây biết bao căng thẳng và khổ đau cho rất nhiều người, nhất là những công dân nghèo, mà nguồn tài chính của họ vẫn bị thách thức ngay cả khi không có chiến tranh, dịch bệnh.

Người huấn luyện cần nhận thức cách sâu sắc và nhạy cảm trước thực tại, những sự kiện và đổi thay của thời đại mình, đã ảnh hưởng ra sao trên đời riêng (câu chuyện) của những người họ huấn luyện ra sao. Việc giúp những nhà huấn luyện hồi tưởng và phản tỉnh thời niên thiếu và những năm đầu trưởng thành của đời mình trong tương quan với những biến động của cuộc sống ngày xa xưa, hẳn rất ích lợi để giúp họ thấu hiểu sự khác biệt đáng kể so với những ứng viên trẻ và xã hội đương đại mà họ giúp hôm nay.

B.             Chương Trình Thường Huấn: Đầu Vào và Đầu Ra

Năng lực của người huấn luyện và sứ mạng kiến tạo năng lực cho tha nhân, tùy thuộc nơi độ sâu tương quan của họ với Thiên Chúa, với tha nhân và chính mình, cách cởi mở và nhất quán. Năm lĩnh vực phát triển con người quan trọng đối với người huấn luyện thế nào, thì cũng quan trọng với những người họ huấn luyện và phục vụ như vậy. Những chương trình huấn luyện đương đại rất quan tâm đến mọi và mỗi lĩnh vực này. Chương trình của CIS này gợi ý người huấn luyện (và Ban Huấn Luyện của mình) chú tâm đến những điều sau đây. Những người huấn luyện sẽ đóng vai trò then chốt trong việc ứng dụng:[2]

Thể Lý

  • Mỗi ứng sinh được yêu cầu trình cho nhà Dòng hoặc giáo phận một chứng nhận sức khỏe tốt, được một cơ quan y tế có uy tín cấp.
  • Người huấn luyện chú ý đến việc luyện tập thể dục, thể thao đều đặn (và cường độ) của các ứng viên. Điều này duy trì sự bền bỉ về sức khỏe thể lý và tinh thần của ứng viên.

Tâm Lý

  • Mỗi ứng viên được yêu cầu thực hiện một cuộc đánh giá sức khỏe tâm lý được một chuyên viên tâm lý khả kính báo cáo để các vấn đề như trầm cảm, âu lo, thiếu trưởng thành tâm cảm, bị lạm dụng tình dục và mặc cảm tự ty nên được nhận diện sớm. Điều này giúp các vị có trách nhiệm sớm có những quyết định tương thích liên quan đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của ứng viên.
  • Cần tìm hiểu những năng lực tương tác giữa gia đình và ứng viên; để biết “tiếng Gọi” đến từ tự do cá nhân hay từ áp lực của gia đình (hay áp lực gì khác).
  • Giữa nhiều sức hút mời gọi ứng viên chọn ơn gọi Dòng Tu hay linh mục giáo phận, những người huấn luyện cũng cần biết, tự căn bản ứng viên có khao khát đáp trả cách quảng đại và cá vị hay không. Một cuộc phỏng vấn tâm lý tốt có thể giúp xác nhận điều này.
  • Từ sự định hướng của người huấn luyện, nên mời những chuyên viên tâm lý khả kính giúp tổ chức những cuộc hội thảo định kỳ, thường xuyên, thảo luận về giảm thiểu căng thẳng, giải quyết xung đột và những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý lành mạnh.
  • Người huấn luyện giúp những ứng viên giao tiếp cởi mở và chân thành với mình bằng cách tỏ ra chính mình là điển hình cho sự cởi mở và chân thành ấy.

Tính Dục

  • Đời sống tính dục, và những cảm xúc liên quan là khía cạnh thường hằng của đời sống con người. Chúng cũng là nền tảng của kinh nghiệm nhân sinh. Những người nam và nữ là những sinh linh có phái tính và trải nghiệm về tính dục khác nhau. Những ứng viên của các dòng tu và linh mục địa phận đều cảm nghiệm những đòi hỏi và thôi thúc của tính dục như mọi người khác cùng lứa tuổi với mình. Lời khấn Khiết Tịnh của đời tu và luật Độc Thân của linh mục giáo phận đặt ra cho các ứng viên những vấn đề và câu hỏi độc đáo. Nhiều vấn đề trầm trọng trong đời sống tu Hội Dòng và linh mục giáo phận đã phát sinh do thông tin và huấn luyện nghèo nàn về tính dục, những cuộc thảo luận không tương thích về các vấn đề thực tế trong đời tu sau khấn hứa, và cách hiểu biết phiến diện để sống các cam kết đó ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
  • Những người huấn luyện cần có được sự quân bình và bình tĩnh khi thảo luận về các vấn đề như ham muốn và phấn kích tình dục, thủ dâm, đồng tính, khuynh hướng LGBTQ hoặc đồng tính luyến ái. Làm thế nào để ứng viên hội nhất được tính dục và ơn gọi của họ?
  • Tính dục của tu sĩ hay linh mục giáo phận không chỉ ảnh hưởng đến chính họ mà thôi và còn ảnh hưởng sâu đậm đến những tương quan của họ với Dân Thiên Chúa, những con người họ phục vụ.
  • Chương trình Huấn Luyện này của CIS sẽ cung cấp những cơ hội cho tham dự viên thảo luận về những vấn đề này với những vị có thẩm quyền tốt nhất có thể về Tâm Lý, Tư Vấn, Phát Triển Con Người và Luân Lý Công Giáo.

Mục Vụ

  • Với rất ít ngoại lệ (chẳng hạn các đan viện, viện tu), cuộc đời của những tu sĩ nam nữ và linh mục giáo phận hướng tới việc gặp gỡ và phục vụ Dân Thiên Chúa, tha nhân. Những người huấn luyện cần được biết các việc thiện nguyện và mục vụ của ứng viên từng phục vụ trước khi đón nhận họ. Những việc này nên được khuyến khích và gợi ý những khả thể sứ vụ mới cần được hội nhất vào chương trình huấn luyện họ.

 

  • Các ứng viên cần bày tỏ cách minh nhiên sự quan tâm sâu sắc đến đặc sủng của dòng tu hay đời sống linh mục giáo phận. Những nhà huấn luyện tạo những cơ hội cho ứng viên bày tỏ những quan tâm mục vụ và giúp đào sâu những kỹ năng tông đồ liên quan của họ.
  • Không thể không đề cập rằng sứ mạng thể hiện tính tư tế và tu trì vốn hòa quyện chặt chẽ với sự chăm sóc mục vụ.
  • Một phần của kỹ năng mục vụ người huấn luyện cần có là khả năng đồng hành với ứng viên qua những thời điểm khó khăn khi họ đặt lại vấn đề hay khủng hoảng trong ơn gọi.
  • Cách thức người huấn luyện tương tác với những người họ chung sống và làm việc chính là cách sống động nhất thể hiện và cổ vũ tình yêu cho sứ mạng mục vụ.

“Hãy rao giảng Tin Mừng mọi lúc, và khi mọi phương thế đã thất bại, hãy dùng từ ngữ.” (Thánh Francis Assisi)

Thiêng Liêng

  • Nhằm chuẩn bị cho việc thu nhận những ứng viên, những người huấn luyện cũng cần biết tương quan của những ứng viên với Thiên Chúa như thế nào. Họ có cảm nhận đó là vị Thiên Chúa yêu thương họ vô điều kiện và mời gọi họ: càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (Lc 2:40); hay như một vị Thiên Chúa “giám thị” luôn “dò xét, gài bẫy” họ trong tội lỗi và mặc cảm.
  • Linh Đạo là sự phát triển cá vị, năng động hướng đến tương quan chân thực với Thiên Chúa, với tha nhân và bản thân. Làm thế nào để người huấn luyện tỏ ra cho các ứng viên, mình chính là mẫu gương cụ thể của những tương quan chân thực ấy. Làm sao để ứng viên đón nhận tình yêu của Thiên Chúa cách trưởng thành trong khi rèn luyện một lối sống thanh bạch hơn theo đặc sủng của hội dòng và giáo phận đòi hỏi.
  • Giúp ứng viên hình thành thói quen cầu nguyện cá nhân và rộng mở với Thiên Chúa. Làm thế nào để trở thành con người vừa chiêm niệm vừa hoạt động?
  • Các ứng viên có thấu hiểu và đón nhận nét đặc thù của đặc sủng, và linh đạo của hội dòng họ muốn thuộc về không? Các chủng sinh có mong muốn bản thân phát triển một đời sống cầu nguyện phù hợp với đời sống linh mục giáo phận?
  • Giúp ứng viên phát triển một đời sống thân tình với Chúa Kitô, yêu mến Thánh Lễ và Bí Tích Hòa Giải.

III.          Tiêu Chí để Hội Nhập vào Sứ Mạng Chuyên Nghiệp của Giáo Hội

Việc một ứng viên cảm thấy mình được đến với một dòng tu hay một chức linh mục giáo  phận không đồng nghĩa họ thực sự được gọi. Như đã nói ở trên (trong phần Đầu Vào và Đầu Ra của Chương Trình Huấn Luyện, Phần Tâm Lý), mỗi ứng viên cần trải qua những cuộc kiểm tra thể lý và tâm lý. Kết quả các cuộc kiểm tra này, nên được các chuyên viên kiểm tra gửi trực tiếp đến Ban Huấn Luyện. Sau đó, Ban Huấn Luyện cần làm tốt ba điều sau: (1) Cùng xem xét và thảo luận về tất cả các thông tin của ứng viên; (2) phân tích tốt các thông tin dựa theo tiêu chí huấn luyện (của dòng tu hay giáo phận) đã thiết lập để thâu nhận ứng viên mới cho dòng tu hay giáo phận, và (3) ban hành quyết định đúng thời hạn có thâu nhận hay không cho từng ứng viên. Vì sự trưởng hành và minh bạch, các ứng viên nên được thông tri rõ ràng rằng họ được thu nhận. Với những ai không được thu nhận, họ cũng cần được cho biết rõ những tiêu chí thu nhận và họ không đáp ứng được tiêu chí nào. Hoặc nếu họ cần chờ đợi thêm 1 thời gian, họ cũng cần được biết rõ bao lâu và tại sao.

“Điều ta yêu tỏ lộ ta là ai.” (St. Toma Aquino)

 

 IV.          Phương Pháp Học của Chương Trình

CIS sẽ cung cấp cho tham dự viên của chương trình này những giảng viên, người hướng dẫn (tốt nhất có thể) thuộc từng lãnh vực liên quan đến người huấn luyện và các ứng viên họ huấn luyện. Chương trình bao hàm việc đọc các tài liệu cần thiết, không gian và thời gian học tập và thảo luận nhóm. Môi trường học tập sẽ được sắp xếp để phục vụ cho sự phát triển về thể lý, tinh thần và thiêng liêng cần thiết của chương trình này, nhằm hỗ trợ việc trau dồi kỹ năng và khả năng cho người thi hành sứ vụ huấn luyện cao cả này.

Kết thúc, chương trình sẽ phục vụ tham dự viên một khóa Linh Thao 8 ngày theo phương pháp của thánh I Nhã, như đỉnh cao của cuộc canh tân cá nhân này.

“Sống là thay đổi, và thay đổi để nên giống Chúa hơn.”

(Thánh Hồng Y John Newman)

 

A.   Điều Kiện Tham Dự

  • Tuổi Tác: (1) Các ứng viên tham dự chương trình cần trên 35 tuổi, (2) đã từng phục vụ sứ mạng huấn luyện ít nhất 3 năm (điều kiện này không bắt buộc).
  • Kiến Thức: Có kiến thức về Thần Học Thiêng Liêng, Tâm Lý ở mức độ căn bản và sẵn sàng theo học những khóa bổ túc nếu như được yêu cầu.
  • Học Vấn: Đã tốt nghiệp 4 năm Đại Học, có khả năng nghe, đọc, hiểu tiếng Anh (Cha Giám Đốc của CIS sẽ xét tùy hoàn cảnh của từng tham dự viên).
  • Số Lượng: Tối đa 20 người (lý tưởng là 50 % nam, 50 % nữ) cho mỗi niên khóa.
  • Thành Phần
    1. Linh Mục Giáo Phận: cần được đức giám mục cho phép và viết giấy giới thiệu.
    2. Tu Sĩ (Tu Hội hay Dòng Tu): cần được bề trên có thẩm quyền cho phép và viết giấy giới thiệu.
  • Thời Lượng và Tham dự
    1. Thời lượng: chương trình kéo dài 3 tháng rưỡi, từ tháng 09 đến giữa tháng 12 hằng năm, gồm:
      1. Khoảng 50 buổi học hỏi, chuyên đề, thảo luận vào các thứ Hai, Ba, Năm và Sáu hằng tuần, từ đầu tháng 09 đến hết tháng 11. Sáng từ 8:00 đến 11:00 chiều từ 14:00 đến 16:00.
      2. Cá nhân, tổ và Lớp được khuyến khích đến trung tâm học riêng, làm việc tổ lớp vào ngày thứ Tư và thứ Bảy, nếu không có các chuyên đề bổ túc.
      3. 3 ngày Picnic gồm Ban Tổ Chức và tham dự viên.
      4. Khóa Linh Thao 8 Ngày – Ngày Kết Chương Trình: giữa tháng 12 hằng năm
    2. Tham dự: tham dự viên cần tham dự đầy đủ và tích cực các môn học, chuyên đề, hội thảo và chương trình đã thiết lập. 
  • Hồ Sơ
    1. Điền thông tin cá nhân vào mẫu: https://trungtamlinhdaoinhadaclo.com/phieu-thong-tin-ung-vien-hlnhl
    2. 1 đơn của tham dự viên xin tham dự chương trình Huấn Luyện Người Huấn Luyện.
    3. Một bài chia sẻ cá nhân (khoảng 1 trang A 4 về “bản thân, ơn gọi thao thức cá nhân về sứ mạng huấn luyện này.
    4. Giấy Giới Thiệu của giám mục giáo phận (nếu là linh mục giáo phận). Giấy Giới Thiệu của bề trên thẩm quyền (nếu là tu sĩ dòng tu).
    5. 2 hình thẻ 3×4 không chụp quá 1 năm trước ngày làm đơn.

B.       Nơi Chốn

  1. Các môn học, chuyên đề, hội thảo sẽ được tổ chức ở Trung Tâm Linh Đạo I Nhã Đắc Lộ, 171 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố HCM.
  2. Linh Thao: Địa điểm sẽ được thông báo sau.

C.     Tuyển Sinh

  • Chương trình sẽ nhận hồ sơ vào đầu tháng 05 hằng năm
  • Phỏng vấn (nếu cần) các ứng sinh vào đầu tháng 07 hằng năm
  • Thông báo mời tham gia chương trình vào giữa tháng 07 hằng năm.

D.    Chi Phí

Tổng học phí: 35,000,000vnđ, bao gồm:

  • 175.000 VND/ tiết học, bao gồm:
    1. Chi phí cho Giáo Sư, Giảng Viên, Giám Sát Viên: trong giờ lớp và giờ tư vấn riêng.
    2. Các tài liệu, thủ bản giáo khoa trong các giờ học (không bao gồm các sách tham khảo giới thiệu).
  • 300.000 VND/ 1 ngày Linh Thao: bao gồm chi phí ăn ở, thù lao cho người giúp Linh Thao.

E.    Chứng Chỉ

Cuối chương trình, tham dự viên sẽ nhận 1 chứng nhận của Trung Tâm Linh Đạo I Nhã, chứng nhận đã tham dự và hoàn tất chương trình này.

 V.      Thành Phần Ban Giảng Huấn (2024)

CIS sẽ thông báo thông tin cụ thể trước ngày chiêu sinh cho chương trình hằng năm.

 Đắc Lộ ngày 02 tháng 12, năm 2023

       Lm. Đaminh Nguyễn Đức Hạnh, SJ

          Giám Đốc Trung Tâm Linh Đạo I Nhã Đắc Lộ

[1] Sách Thống kê của Giáo Hội Công Giáo, Summery of Bulletin, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, tháng 10 năm 2019. Năm 2009, dân số là 87 triệu người; năm 2019 là 98 triệu người theo Cục Thống Kê, Việt Nam.

[2] Chương trình sẽ cung cấp những biểu mẫu gợi ý cho những mảng cần có những mẫu trắc nghiệm bài bản.