KHỞI ĐIỂM (THE STARTING POINT):

Do Văn Bản Chuẩn Nhận (Bút Phê và Đóng Dấu) của Cha Giám Tỉnh ngày 05/03/2019, và được sự Ủy Quyền của Ban Linh Đạo tỉnh Dòng Tên Việt Nam, Trung Tâm Linh Đạo I Nhã (CIS) của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam chịu trách nhiệm phác thảo, xin chuẩn nhận và thực hiện Chương Trình Huấn Luyện Người Đồng Hành Thiêng Liêng và Hướng Dẫn Linh Thao (HLNĐHTL &HDLT).

Việc CIS gọi tên là “Đồng Hành Thiêng Liêng” có thể mới lạ đối với một số người. Vì chẳng lâu trước đây, thuật ngữ “Linh Hướng” vẫn được dùng để miêu tả sứ vụ của một thừa tác viên giúp tha nhân nên nhạy bén hơn với những thúc đẩy của Thánh Thần trong nội tâm họ, và đáp trả cách tốt nhất với những biến chuyển đó. Trong Linh Đạo I Nhã, và các Linh Đạo khả kính khác của Giáo Hội Công Giáo, sứ vụ này cần tương quan tích cực của ba Nhân Vị: người cần sự nâng đỡ (Người được đồng hành); người sẵn lòng nâng đỡ (Người Đồng Hành) và Thiên Chúa, mà Chúa Thánh Thần là Ngôi Vị được đề cập đến trong tương quan đồng hành này.

Trong chú thích số 15 của sách Linh Thao, Thánh I Nhã viết (với nội dung) Người hướng dẫn đích thực của người đang tìm kiếm sự trợ giúp trong nguyện cầu chính là Chúa Thánh Thần. Những tu sĩ Dòng Tên khi đồng hành cầnluôn ghi nhớ điều này. Vậy nếu Chúa Thánh Thần là Người hướng dẫn đích thực, thì họ chỉ là người đồng hành, không phải là người hướng dẫn. Quan điểm này của Thánh I Nhã càng rõ hơn khi đề cập tới nghĩa vụ của người giúp tha nhân trong đời sống thiêng liêng của họ như một người đồng hành (accompanier), chứ không phải là người hướng dẫn. (Chúa Thánh Thần làm nhiệm vụ đó!) Do vậy, CIS đặt tên cho chương trình này là: Chương Trình Huấn Luyện Người Đồng Hành Thiêng Liêng và Hướng Dẫn Linh Thao, cho phù hợp với cách hiểu hiện nay của Giáo Hội Công Giáo về sứ vụ quan trọng này.

CIS xin trình bày quan điểm và giải thích của CIS về Linh Đạo để giúp học viên (và người quan tâm) hiểu hơn về nền tảng và mục đích của HLNĐHTL &HDLT, cũng như việc họ giúp đỡ tha nhân trong hành trình thiêng liêng sau này. 

NỀN TẢNG THẦN HỌC ĐỊNH HƯỚNG THIÊNG LIÊNG:

LINH ĐẠO LÀ GÌ?

Linh Đạo là điều gần gũi và cá vị. Linh Đạo đến với con người qua gia đình, truyền thống và kinh nghiệm cá nhân. Linh Đạo phản ánh những xác tín và giá trị thẳm sâu nhất của con người. Linh Đạo ảnh hưởng đến mọi tương quan của con người với bản thân, tha nhân, thế giới và Thiên Chúa. Linh Đạo là tiến trình con người lớn lên nhằm đạt đến căn tính đích thực của mình, cách hài hòa với mình, với tha nhân và Thiên Chúa. Linh Đạo là sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong Tạo Vật.

Linh Đạo là điều con người mang vào đời riêng và việc chung, đến với tha nhân và môi trường sống rộng lớn hơn.  Linh Đạo là cách con người sống. 

Sống Linh Đạo không là chuyện kiếp sau hay xa vời với thực tại hiện hữu đời thường. Không! Linh Đạo thành chân thực khi nó được sống giữa những khổ đau, hạnh phúc, chán chường trong thế giới hiện sinh của con người, Ở-Đây-và-Lúc-Này. “Nền Linh Đạo đích thực được chứng thực bằng một tình yêu đồng loại nơi thực tại trần thế này” Thánh Têrêsa Avila

Linh Đạo rộng hơn mọi tôn giáo hay hệ thống tín ngưỡng. Linh Đạo tỏ lộ cái cốt lõi của một đời sống biết phân định. Trong bối cảnh Kitô giáo, có nhiều nền truyền thống có thể giúp con người đạt tới tương quan chiều sâu với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Chẳng hạn: Linh Đạo Ẩn Tu; Biển Đức; Cát Minh (đặc biệt với Thánh Teresa Avila và Gioan Thánh Giá), hoặc Linh Đạo I Nhã. 

LINH ĐẠO CỦA THÁNH I NHÃ LOYOLA

Như được trình bày trong sách Linh Thao, Linh Đạo của thánh I Nhã nhằm giúp thao viên có được tự do nội tâm để họ biết dùng đời mình đáp trả lời mời của Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Linh Thao giải thoát thao viên khỏi những quan niệm hoặc hành vi trói buộc đời mình, sống chân thực hơn tương quan với Chúa Giêsu Nazareth. Do vậy, Linh Đạo I Nhã được đặt trong bối cảnh của một con người tự do, sống triển nở nhân bản hơn; một cuộc sống phản ánh những giá trị của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. 

Trọng tâm của Linh Đạo I Nhã là kinh nghiệm cầu nguyện và tương quan cá vị với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Nền Linh Đạo trình bày một vị Thiên Chúa chủ động và sẵn sàng giúp con người ý thức xứng hợp về bản thân, khả năng sẻ chia kinh nghiệm riêng và sự mở lòng để Thiên Chúa bước vào đời riêng (LT. số 15). Tiến trình “Bốn Tuần” của Linh Thao, thực tế là bốn năng động, dẫn từng thao viên từ kinh nghiệm làm người, đến tình bạn mật thiết với Chúa Kitô Phục Sinh và sống dấn thân để Nước Chúa nên sống động hơn trong đời thường. Kết thúc của Linh thao là việc ý thức rằng mỗi người, nam hay nữ, đều được mời gọi cộng tác tích cực trong sứ mạng chữa lành thế giới của Người.  

ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG THEO TRUYỀN THỐNG THÁNH I NHÃ

Đồng Hành Thiêng Liêng là mối tương quan trong đó những người trưởng thành có thể kể câu chuyện đời mình cho người khác trong môi trường thật an toàn, đầy nâng đỡ và để khám phá ra đức tin đã hòa quyện với đời riêng của mình như thế nào. Trong các truyền thống Thiêng Liêng Kitô Giáo, đều đề cập đến Ba nhân vị tương tác với nhau: người được đồng hành; người đồng hành và Chúa Thánh Thần. Nhận thức này có vị trí rất quan trọng trong Linh Đạo I Nhã khi ngài đề cập, chú thích đến từng ngôi vị trong Sách Linh Thao.

Người Đồng Hành cần được huấn luyện cách chuyên nghiệp và quân bình trong các lãnh vực Kinh Thánh, Truyền Thống Thiêng Liêng của Kitô Giáo và Tâm Lý Học. Họ không buộc trở thành học giả Thánh Kinh, nhưng họ phải am hiểu và thân thiết với Lời Chúa, cả Cựu và Tân Ước. Họ phải hiểu ý nghĩa bối cảnh của đoạn văn Kinh Thánh và kỹ năng chú giải và áp dụng Lời Chúa cho con người và thế giới đương đại.

Kiến thức và nhận thức sâu rộng về sự phong phú của Linh Đạo I Nhã giúp Người Đồng Hành giảm thiểu sự hẹp hòi hay vội vã khi cần có những phán đoán hoặc lời khuyên. Nó cũng giúp Người Đồng Hành phòng tránh những áp đặt mang tính đạo đức hoặc lấy kinh nghiệm cá nhân phủ bóng lên đời tha nhân. Tốt hơn, họ cần có kỹ năng song hành với với những nhu cầu chính đáng và thực tiễn của tha nhân và giúp hiện thực nó cách tốt nhất.

Kiến thức về những Tâm Lý Học lành mạnh cần thiết vì nó giúp người đồng hành hiểu được quá trình phát triển và trưởng thành của mình và phát triển của con người, nam và nữ. Nó cũng giúp người đồng hành khiêm tốn biết lúc phải giới thiệu người mình giúp đến với vị chuyên môn hơn khi cần thiết, thay vì giữ họ lại bằng cách cố sử dụng lòng đạo đức không tương thích hoặc một nền tâm lý chung chung khiến vấn đề nên trầm trọng hơn. Người đồng hành thiêng liêng theo Linh Đạo I Nhã cần được đào tạo tốt trong các lĩnh vực này và phải được chuẩn nhận chuyên nghiệp tính trước khi họ đảm nhận sứ vụ Đồng Hành Thiêng Liêng.

Biết Mình là thuộc tính rất quan trọng cho các Người Đồng Hành Thiêng Liêng. Họ cần có 1 đời sống hòa điệu giữa cầu nguyện cá nhân, tương quan với tha nhân và Thiên Chúa am hợp với những chuyển động của Thánh Thần trong họ. Người đồng hành không biết chăm lo đời sống nội tâm và cầu nguyện cá nhân, không thể giúp tha nhân hữu hiệu được. Người đồng hành thiêng liêng, khi thi hành sứ mạng, cũng nên có người đồng hành (Supervisor) cho chính mình. Việc họ là linh mục hay tu sĩ không đồng nghĩa họ sẽ thi hành sứ vụ đồng hành cách xứng hợp. Sứ Vụ Đồng Hành đòi tính chuyên nghiệp của Huấn Luyện và Thường Huấn tốt.

Cuối cùng, một Kỹ Năng cần cho người đồng hành là Lòng Hiếu Khách. Một khả năng hiền hòa, niểm nở, chân thành để cùng tha nhân đi vào một không gian an toàn giúp khơi dậy sự tin tưởng (nơi con người) và đức tin (nơi Thiên Chúa) của họ. Lòng Hiếu Khách, cùng với sự biết mình, liêm khiết với khả năng cá nhân và biết tự giới hạn, sẽ rất hữu ích cho Người Đồng Hành có khả năng đồng hành tốt với tha nhân trong hành trình đức tin của họ.